
Hậu quả của Ngưng thở khi ngủ
- Posted by admin
- On 12/06/2017
Ngưng thở khi ngủ làm giảm oxi và tăng carbon dioxide trong máu, đến một mức nhất định thì cơ thể phải cố gắng tìm cách để thở, gây ra vi thức giấc. Khi thức giấc, hệ thần kinh giao cảm tăng hoạt động, tăng tiết adrenalin, dẫn đến tăng nhịp tim và huyết áp để cố gắng bù đắp oxi cho các cơ quan. Nếu điều này xảy ra thường xuyên và lâu dài sẽ gây stress cho cơ thể, thay đổi nội tiết tố và dẫn đến các bệnh nguy hiểm (bệnh tim mạch, tăng huyết áp, suy tim, tiểu đường, đột quị…).
Hiện nay ở Việt Nam, ngưng thở khi ngủ, mà dấu hiệu đặc trưng là ngủ ngáy, chưa thực sự được quan tâm. Bởi vì người bệnh cho rằng nó không quan trọng như các bệnh tim mạch, tiểu đường, … nên thường bị bỏ qua. Nhưng người bệnh cần biết rằng, ngưng thở khi ngủ cũng là nguyên nhân dẫn đến các bệnh nói trên, hoặc làm trầm trọng hơn các bệnh đó. Do đó, việc điều trị ngưng thở khi ngủ sẽ giúp hỗ trợ điều trị các bệnh đang mắc hiệu quả hơn rất nhiều.
Các nghiên cứu trên thế giới
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ có tác hại tương đương như tác hại của thuốc lá(1) và là một trong những nguyên nhân của Bệnh Cao huyết áp: Hội chứng ngưng thở khi ngủ gặp trên 80% số Bệnh nhân Cao huyết áp kháng thuốc (2), 73% số bệnh nhân Suy tim sung huyết (3), 30% số bệnh nhân mắc bệnh Động mạch vành và Đau thắt ngực (4)…
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ còn liên quan mật thiết với bệnh Tiểu đường týp 2. Người ta phát hiện rằng ngưng thở khi ngủ làm ảnh hưởng chuyển hóa glucose và gia tăng sự đề kháng Insulin, ảnh hưởng đến hiệu quả của việc điều trị bệnh Tiểu đường týp 2: 50% bệnh nhân tiểu đường týp 2 bị ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (5), những người thường xuyên ngáy có nguy cơ bị tiểu đường týp 2 gấp đôi (6)… Theo khuyến cáo mới nhất từ Hiệp Hội Tiểu đường Thế giới, tất cả bệnh nhân Tiểu đường týp 2 phải nên được tầm soát Hội chứng ngưng thở khi ngủ.
- Đột quị cũng liên quan mật thiết với ngưng thở khi ngủ (7), do sự giảm oxi máu cùng với các biến cố tim mạch do ngưng thở khi ngủ gây ra.
- Vi thức giấc làm giảm chất lượng giấc ngủ, sẽ gây mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày, có những lúc buồn ngủ không cưỡng lại được, một trong những nguyên nhân chính góp phần làm tăng tai nạn giao thông.
Tài liệu tham khảo:
(2) Logan et al. J Hypertension 2001;19:2271-2277
(3) SDB and Cardiovascular Disease. Patients: About Sleep & Breathing. 2004
(4) Schaefer et al. Obstructive Sleep Apnea as a Risk marker in Coronary Artery Disease. Cardiology 1999; 92(2)79-84
(5) Einhorn, et al insert Endocr Pract, 2007
(6) Al-Dalaimy, at al AJE, 2002
(7) Investigating the Relationship Between Stroke and Obstructive Sleep Apnea 1996; 27: 401-407, MD. Mark E. Dyken, MD. Virend K. Somers and Colleagues
0 comments on Hậu quả của Ngưng thở khi ngủ